- Để dư nợ từ tháng này qua tháng khác
Không thanh toán hết dư nợ thẻ tín dụng mà để từ tháng này qua tháng khác là một trong những sai lầm phổ biến khi sử dụng thẻ tín dụng. Dư nợ kéo dài từ các tháng trước sẽ bị tính lãi thẻ tín dụng (cao hơn nhiều so với lãi vay, thường rơi vào khoảng 20 – 29%/năm).
Nếu như một số thẻ tín dụng tích điểm hoặc cash-back giúp bạn tiết kiệm khi chi tiêu thì việc này chẳng còn ý nghĩa gì nữa nếu bạn phải trả lãi thẻ tín dụng hàng tháng, số tiền lãi vốn cao hơn nhiều so với với số tiền ưu đãi được nhận.
Sử dụng hầu hết hạn mức tín dụng và duy trì dư nợ hàng tháng còn là một dấu hiệu có thể ảnh hưởng đến điểm tín dụng hoặc đánh giá tín dụng cá nhân trong trường hợp chủ thẻ muốn mở thêm thẻ tín dụng, tăng hạn mức hoặc có thêm khoản vay mới.
Do đó, bạn nên có kế hoạch trong chi tiêu và thanh toán hết dư nợ thẻ tín dụng trong kỳ để tránh phát sinh chi phí khi sử dụng thẻ tín dụng cũng như giúp duy trì lịch sử tín dụng tốt cho các nhu cầu sử dụng trong tương lai.
2. Chỉ thanh toán tối thiểu hàng tháng
Thanh toán tối thiểu là khoản bắt buộc phải trả hàng tháng khi sử dụng thẻ tín dụng theo yêu cầu của ngân hàng phát hành thẻ. Tuy nhiên, phần dư nợ còn lại sẽ bị tính lãi từng ngày, kể từ ngày giao dịch mua hàng được ghi nhận. Nếu chỉ thanh toán tối thiểu, dư nợ của bạn kèm theo tiền lãi sẽ tăng lên từng ngày, từng tháng, cho đến khi bạn nhận ra mình không có khả năng thanh toán.
Do đó, cách tốt nhất là bạn nên có kế hoạch chi tiêu, đặc biệt là các khoản chi tiêu lớn như học phí, hàng điện tử, công nghệ. Sử dụng các chương trình trả góp, thanh toán toàn bộ dư nợ ngay khi có thể và tốt nhất là thanh toán toàn bộ dư nợ trong kỳ.
3. Quên thanh toán thẻ tín dụng
Tổ chức phát hành thẻ luôn yêu cầu khách hàng phải thanh toán Số tiền thanh toán tối thiểu phát sinh từ thẻ tín dụng trước hoặc vào một ngày cố định hàng tháng (Ngày đến hạn thanh toán). Thông thường, chủ thẻ sẽ nhận được Sao kê thẻ tín dụng qua E-mail hoặc Ứng dụng ngân hàng (application) với các thông tin chi tiết về các khoản chi tiêu, dư nợ thẻ cuối kỳ, số tiền, thời gian và cách thức thanh toán dư nợ thẻ tín dụng.
Nếu không thanh toán như thông báo, chủ thẻ sẽ bị xem là thanh toán quá hạn và sẽ phải chịu phí Quá hạn thanh toán (thường khoảng 4% trên dư nợ quá hạn, tối thiểu 250,000 đồng và thay đổi tuỳ Ngân hàng), đồng thời khoản dư nợ sẽ bị phát sinh lãi và nghiêm trọng hơn là sẽ bị ghi chú lịch sử thanh toán trễ hạn trên CIC1, ảnh hưởng đến các hoạt động tín dụng trong tương lai của chủ thẻ. Một số ngân hàng có thời gian ân hạn (Grace period), tức là sẽ không ghi nhận quá hạn của khách hàng trong vòng 3 ngày, từ ngày Đến hạn thanh toán. Do đó, nếu phát hiện mình quên thanh toán thẻ, bạn có thể hỏi thêm Ngân hàng phát hành về thời gian ân hạn, đồng thời thực hiện thanh toán thẻ ngay khi có thể.
Cách tốt nhất để tránh quên thanh toán thẻ là Chủ thẻ đăng ký dịch vụ thanh toán tự động thẻ tín dụng tại tổ chức mở thẻ. Theo đó, đến ngày thanh toán thẻ, ngân hàng sẽ tự động trích tiền từ tài khoản thanh toán của chủ thẻ để thanh toán dư nợ thẻ tín dụng theo tỉ lệ đăng ký. Thông thường chủ thẻ sẽ có hai lựa chọn: thanh toán tự động Số tiền thanh toán tối thiểu hoặc toàn bộ dư nợ cuối kỳ. Tuỳ vào kế hoạch chi tiêu và khả năng thanh toán, chủ thẻ lựa chọn tỉ lệ thanh toán phù hợp, tốt nhất vẫn là không để dư nợ tồn đọng qua tháng sau.
Trường hợp trên chỉ áp dụng cho chủ thẻ có tài khoản tại tổ chức phát hành thẻ tín dụng. Trong trường hợp không có tài khoản, chủ thẻ cần ghi chú thời gian thanh toán hoặc thiết lập nhắc nhở trên điện thoại để không xảy ra tình trạng quá hạn.
1CIC (Credit Information Center): Trung tâm Thông tin Tín dụng Quốc gia trực thuộc Ngân hàng Nhà Nước Việt Nam, có chức năng ghi nhận, lưu trữ, xử lý thông tin tín dụng của các cá nhân và tổ chức, nhằm phục vụ cho hoạt động của các tổ chức tín dụng.
4. Không kiểm tra giao dịch và Sao kê thẻ tín dụng
Một trong những sai lầm của chủ thẻ là không kiểm tra lại thông tin giao dịch thẻ tại thời điểm sử dụng thẻ tín dụng và không xem lại chi tiết số tiền giao dịch trên Sao kê.
Trước và sau khi quẹt thẻ, chủ thẻ cần kiểm tra xem hoá đơn có đúng số tiền hay không, và thông tin giao dịch thẻ thành công được thông báo qua tin nhắn/ Email/ Ứng dụng có đúng hay không, để tránh trường hợp khiếu nại sau giao dịch, tốn công sức và thời gian xử lý.
Khi nhận được Sao kê thẻ tín dụng, chủ thẻ nên kiểm tra lại các giao dịch liệt kê trong sao kê có đúng hay không, có bất kỳ giao dịch nào lạ không, giao dịch chuyển sang trả góp có thể hiện trong Sao kê không…Nếu có bất kỳ chi tiết bất thường nào, chủ thẻ cần liên hệ ngay đến ngân hàng phát hành thẻ để hỏi thêm thông tin để kịp thời xử lý trước ngày đến hạn thanh toán. Trường hợp phát hiện có giao dịch gian lận do thẻ bị lạm dụng, ngân hàng phát hành thẻ sẽ hướng dẫn chủ thẻ quy trình khiếu nại giao dịch, đồng thời thực hiện khoá và thay thẻ mới.
5. Không tìm hiểu kỹ các khoản phí, lãi khi mở thẻ
Ngoài việc tìm hiểu tiện ích thẻ tín dụng để chọn cho mình một chiếc thẻ phù hợp, thì phí, lãi là các thông tin rất quan trọng giúp bạn quản lý thẻ tín dụng một cách hợp lý. Một số loại phí, lãi phổ biến của thẻ tín dụng như:
Phí thường niên (Annual fee): được thu mỗi năm vào tháng phát hành thẻ. Một số ngân hàng miễn phí thường niên năm tiếp theo dựa trên doanh số giao dịch thanh toán trong năm, như VP Shopee Platinum, phí thường niên 299,000đ, miễn phí thường niên năm tiếp theo nếu tổng chi tiêu năm hiện tại đạt 50 triệu đồng.
Phí trả chậm (Late payment fee): áp dụng khi chủ thẻ thanh toán trễ hạn. Như ví dụ với thẻ VP Shopee Platinum, phí trả chậm là 5% số tiền thanh toán tối thiểu, tối thiểu 199,000, tối đa 999,000).
Lãi suất thẻ (Interest): là lãi suất áp dụng trong trường hợp chủ thẻ không thanh toán hết dư nợ thẻ phát sinh của kỳ trước. Lãi suất sẽ được tính theo từng giao dịch từ ngày giao dịch thẻ được cập nhật thành công trên hệ thống ngân hàng cho đến ngày giao dịch đó được thanh toán hết. Đối với thẻ VP Shopee Platinum nói trên, lãi suất áp dụng là 38.28%/năm, tương đương 3.19%/tháng. Thông thường, hạng thẻ càng cao, phí thường niên càng cao thì lãi suất thấp và ngược lại.
Phí ứng trước tiền mặt (Cash advance fee): Phí áp dụng trên mỗi giao dịch ứng tiền trên hạn mức thẻ tín dụng, tính từ ngày giao dịch được thực hiện đến ngày trả hết nợ. Thông thường, phí ứng tiền mặt từ thẻ tín dụng rất cao, như thẻ VP Shopee Platinum, phí này là 4%, tối thiểu 100,000đ. Ví dụ chủ thẻ ứng 5tr từ thẻ tín dụng, phí ứng tiền mặt sẽ là 5tr x 4% = 200,000đ/ngày. Do đó, chủ thẻ không nên ứng tiền từ thẻ tín dụng, nếu cần gấp thì phải thanh toán lại ngay khoản này ngay khi có thể.
Một số ngân hàng áp dụng phí huỷ thẻ (như VIB) khi khách hàng đóng thẻ trước 12 tháng. Do đó, chủ thẻ cần cân nhắc tiện ích, các khoản phí, lãi để lựa chọn thẻ tín dụng phù hợp với nhu cầu sử dụng của bản thân.
– End –