Hiểu thẻ tín dụng để quản lý chi tiêu tốt hơn, thanh toán đúng hạn và tránh phát sinh lãi cũng như quá hạn trong quá trình sử dụng thẻ.
Thẻ tín dụng tín chấp (Unsecured credit card)
Thẻ tín dụng tín chấp là thẻ tín dụng được cấp dựa trên uy tín hoặc thu nhập của khách hàng. Thông thường, các tổ chức tín dụng sẽ xác minh nơi làm việc và nguồn thu nhập của khách hàng để xác định hạn mức tín dụng cấp cho khách hàng (khoảng từ 2 đến 3 lần thu nhập). Hiện nay, thẻ tín dụng còn được cấp dựa trên lịch sử tín dụng (cho các khách hàng vay hoặc sử dụng thẻ tín dụng tại các ngân hàng khác có lịch sử trả nợ tốt) hoặc dựa trên nguồn thông tin của bên thứ ba cung cấp điểm tín dụng của khách hàng (ví dụ khách hàng có lịch sử mua hàng/ sử dụng dịch vụ thường xuyên của một thương hiệu).
Thẻ tín dụng thế chấp (Secured credit card)
Thẻ tín dụng thế chấp là thẻ tín dụng được cấp dựa trên tài sản của khách hàng, thường là số dư tiền gửi của khách hàng tại một tổ chức tín dụng. Số tiền này sẽ được ngân hàng giữ lại để làm đảm bảo cho việc sử dụng thẻ tín dụng của khách hàng. Nếu khách hàng bị phát sinh khoản thanh toán quá hạn, hoặc mất khả năng thanh toán, ngân hàng sẽ sử dụng khoản tiền này để thanh toán cho các giao dịch thẻ cũng như các chi phí phát sinh của khách hàng. Ví dụ, khách hàng có thể tạo tài khoản tiết kiệm 11 triệu đồng để mở thẻ tín dụng với hạn mức 10 triệu đồng.
Hạn mức tín dụng (Credit limit)
Hạn mức tín dụng là số tiền tối đa mà tổ chức tín dụng cấp cho chủ thẻ để chi tiêu, tuỳ thuộc vào số dư tiền gửi tại ngân hàng (thế chấp) hoặc vào thu nhập và lịch sử tín dụng của khách hàng (tín chấp). Hạn mức tín dụng cho thẻ chuẩn thường khoảng từ 10 – 30 triệu đồng, thẻ vàng từ 30 – 100 triệu đồng và thẻ Platinum từ 50 triệu đồng trở lên tuỳ theo ngân hàng phát hành thẻ.
Dư nợ thẻ tín dụng (Credit card balance)
Dư nợ thẻ tín dụng là số tiền mà chủ thẻ đã chi tiêu (thanh toán dịch vụ/rút tiền mặt) bằng thẻ tín dụng mà chưa thanh toán cho ngân hàng phát hành thẻ. Chủ thẻ có nghĩa vụ phải thanh toán lại dư nợ thẻ tín dụng phát sinh trong kỳ thể hiện trong sao kê được gửi bởi ngân hàng phát hành thẻ. Sau khi thanh toán thì hạn mức tín dụng sẽ được phục hồi lại bằng khoản mà chủ thẻ thanh toán (không tính lãi, phí).
Hạn mức khả dụng (Available credit limit)
Hạn mức khả dụng là hạn mức tín dụng còn lại sau khi trừ đi dư nợ thẻ tín dụng. Ví dụ bạn được cấp hạn mức 10 triệu đồng, bạn đã sử dụng 3 triệu đồng, thì hạn mức khả dụng còn lại là 7 triệu đồng.
Sao kê thẻ tín dụng (Credit card statement)
Sao kê thẻ tín dụng là thông tin hoá đơn thanh toán thẻ tín dụng được gửi hàng tháng bởi tổ chức phát hành thẻ. Sao kê thẻ tín dụng thường thể hiện chi tiết các khoản chi tiêu, rút tiền, trả góp và thanh toán trong tháng trên thẻ tín dụng, đồng thời cũng thể hiện số tiền và thời gian mà khách hàng phải thanh toán cho ngân hàng. Số tiền chi tiêu được thể hiện là Dư nợ cuối kỳ và chủ thẻ phải thanh toán Số tiền thanh toán tối thiểu, thường được tính khoảng 5% trên Dư nợ cuối kỳ vào trước Ngày đến hạn thanh toán chỉ định trong sao kê.
Số tiền thanh toán tối thiểu (Minimum payment amount)
Số tiền thanh toán tối thiểu thường được tính bằng 5% trên tổng chi tiêu trong kỳ (Dư nợ cuối kỳ), không bao gồm khoản trả góp. Ví dụ bạn sử dụng thẻ tín dụng 3 triệu, thì Số tiền thanh toán tối thiểu = 3 triệu x 5% = 150,000 đồng. Bạn cần thanh toán tối thiểu là 150,000đ vào trước ngày đến hạn thanh toán thể hiện trong sao kê. Nếu không thanh toán, chủ thẻ sẽ bị xem là quá hạn thanh toán và có thể được liệt kê vào danh sách nợ xấu trên CIC (Cổng thông tin tín dụng quốc gia).
Ngày lập bảng/ ngày sao kê (Statement Date)
Ngày lập bảng là ngày chốt các giao dịch phát sinh trong kỳ của chủ thẻ, đồng thời tạo Sao kê thẻ tín dụng và gửi cho chủ thẻ qua email hoặc qua Ứng dụng ngân hàng điện tử.
Ngày đến hạn thanh toán (Payment Date)
Ngày đến hạn thanh toán là ngày mà chủ thẻ phải thanh toán Số tiền thanh toán tối thiểu thể hiện trên sao kê. Nếu quá ngày này mà chủ thẻ chưa thanh toán thì bị xem là quá hạn thanh toán và có thể được liệt kê vào danh sách nợ xấu trên CIC (Cổng thông tin tín dụng quốc gia).
Phí thường niên (Annual fee)
Phí thường niên là phí mà chủ thẻ phải thanh toán cho tổ chức phát hành thẻ hàng năm để duy trì hoạt động thẻ. Phí thường niên khác nhau tuỳ theo loại thẻ và hạng thẻ như thẻ chuẩn, vàng, Platinum hay Signature. Một số ngân hàng có chương trình ưu đãi phí thường niên năm đầu hoặc năm sau dựa trên doanh số sử dụng thẻ trong năm của chủ thẻ.
Lãi suất thẻ tín dụng (Interest)
Lãi suất thẻ tín dụng sẽ được áp dụng nếu chủ thẻ không thể thanh toán toàn bộ số dư nợ cuối kỳ trong hoặc trước ngày đến hạn thanh toán, dao động từ 19% đến 27% tuỳ loại thẻ và ngân hàng phát hành. Tiền lãi sẽ được tính mỗi ngày trên dư nợ cuối ngày của thẻ, theo mức lãi suất công bố tại từng thời điểm. Do đó, cần quản lý việc chi tiêu thẻ tín dụng chặt chẽ và thanh toán dư nợ thẻ tín dụng đúng hạn để tránh phát sinh lãi suất cũng như thanh toán quá hạn.
-End-