8 lợi ích của thẻ tín dụng

1. Mua trước, trả sau

Thẻ tín dụng hiện được phát hành bởi các ngân hàng và công ty tài chính, bao gồm hai loại: thẻ tín dụng quốc tế và thẻ tín dụng nội địa. Thẻ tín dụng nội địa chỉ sử dụng được tại các cửa hàng và website trong nước. Thẻ tín dụng quốc tế sẽ có logo của các tổ chức thẻ quốc tế như Visa, MasterCard, Amex (Mỹ), JCB (Nhật Bản), UnionPay (Trung Quốc) và có thể sử dụng để mua sắm online, offline tại bất kỳ đâu.


Chủ thẻ tín dụng sẽ được cấp một hạn mức nhất định dựa trên thu nhập, lịch sử tín dụng, lịch sử giao dịch với ngân hàng…(thẻ tín dụng tín chấp) hoặc dựa trên số dư tiền gửi của khách hàng (thẻ tín dụng thế chấp). Với hạn mức này, chủ thẻ có thể sử dụng để mua sắm hàng hoá, dịch vụ và thanh toán lại cho ngân hàng trong tương lai. Chủ thẻ sẽ được miễn lãi phát sinh nếu thanh toán toàn bộ số tiền đã sử dụng trước hoặc trong ngày đến hạn thanh toán cho ngân hàng. Nếu chỉ thanh toán một phần, khách hàng sẽ phải trả lãi trong kỳ thanh toán tiếp theo.


Chẳng hạn như bạn được ngân hàng A cấp thẻ tín dụng tín chấp với hạn mức 50 triệu đồng. Ngân hàng quy định số tiền thanh toán tối thiểu là 5% dư nợ hàng tháng, ngày đến hạn thanh toán là ngày 25 hàng tháng. Ngày 10/9, bạn nhận được sao kê thẻ tín dụng báo dư nợ 10 triệu đồng (bao gồm các giao dịch đi siêu thị, mua vé máy bay, mua hàng trên Lazada, Shopee…). Số tiền thanh toán tối thiểu là 500,000 đồng. Khi đó, bạn cần thanh toán lại cho ngân hàng trước hoặc vào ngày 25/9. 

 

Nếu thanh toán toàn bộ dư nợ 10 triệu đồng, bạn sẽ không bị tính lãi. Nếu số tiền thanh toán nhỏ hơn 10 triệu đồng (và phải trên 500,000 đồng), bạn sẽ bị tính lãi vào kỳ sao kê tiếp theo. Nếu số tiền thanh toán nhỏ hơn 500,000 đồng, bạn sẽ bị xem là thanh toán trễ hạn, khi đó, lịch sử tín dụng của bạn (CIC) sẽ bị ảnh hưởng. 

 

Thẻ tín dụng giúp mua trước, trả sau, tuy nhiên bạn cần lưu ý thanh toán ít nhất Số tiền thanh toán tối thiểu vào trước ngày đến hạn thanh toán thể hiện trong Sao kê thẻ để tránh ảnh hưởng đến lịch sử tín dụng và các loại lãi, phí phát sinh.


2. Trả góp 0% lãi suất

Hiện hầu hết các loại thẻ tín dụng đều có chương trình ưu đãi trả góp 0% lãi suất hoặc trả góp với lãi suất ưu đãi. Với các chương trình này, khách hàng có thể mua các sản phẩm, dịch vụ có giá trị cao như điện thoại, máy tính, xe máy, đồ gia dụng…và trả góp hàng tháng cho ngân hàng trong 3, 6 hoặc 12 tháng. 


Đối với các trang web bán hàng online như Tiki, Lazada, Shopee…, thay vì chọn thanh toán như bình thường thì các bạn chọn “Trả góp”, chọn thời gian trả góp 6, 9, 12 hay 24 tháng, sau đó nhập thông tin thẻ.


Đối với các cửa hàng offline, ví dụ khi mua xe máy hoặc điện thoại, bạn cần hỏi cửa hàng về thủ tục đăng ký trả góp và các loại phí liên quan theo quy định khác nhau của các ngân hàng phát hành thẻ.

 

3. Thanh toán online 

Thẻ tín dụng được xem như một phương thức thanh toán phổ biến, tiện lợi khi mua hàng hoá, vé xem phim, vé tàu, máy bay, thanh toán dịch vụ online. Tuy nhiên, thẻ tín dụng nội địa có hạn chế là bạn không thể sử dụng thẻ cho các dịch vụ online ngoài Việt Nam, ví dụ như đặt khách sạn tại Agoda.com, xem phim tại Netflix, nghe nhạc Spotify, phí quảng cáo Facebook hoặc mua các ứng dụng điện thoại trên App Store…Việc sở hữu thẻ tín dụng quốc tế sẽ cực kỳ hữu ích cho các khách hàng có nhu cầu thanh toán online, cả trong và ngoài nước.


Các bạn cần lưu ý chọn các trang thanh toán trực tuyến có uy tín để không bị lộ thông tin thẻ. Bạn cũng nên cài đặt số tiền thanh toán đối đa cho mỗi lần giao dịch để giảm thiểu rủi ro khi thanh toán online.


4. Tích điểm, hoàn tiền, tích luỹ dặm bay

Các ngân hàng cung cấp nhiều loại thẻ với tiện ích khác nhau để thu hút người dùng cũng như tối đa hoá lợi ích cho các đối tượng khách hàng riêng biệt. Thông thường, tỉ lệ tích điểm hay hoàn tiền phụ thuộc vào hạng thẻ chuẩn (classic), vàng (gold), platinum. Hạng thẻ càng cao, tỉ lệ tích điểm, hoàn tiền càng nhiều. 


Dù tính năng thẻ là gì, điều quan trọng nhất bạn cần biết là nếu bạn chi tiêu trong kỳ số tiền X, tại cửa hàng Y thì số tiền Z bạn nhận được trong kỳ sao kê tiếp theo là bao nhiêu, đừng để tỉ lệ phần trăm hoàn tiền, hay số điểm quảng cáo làm bạn hoa mắt.


Thẻ tín dụng hoàn tiền (cash back)

Thông thường bạn được hoàn từ 0.1% đến 10% tuỳ vào sản phẩm thẻ, tuy nhiên, các ngân hàng thường sẽ áp dụng số tiền hoàn tối đa, ví dụ như các loại thẻ sau:

Thẻ VIB Cash Back (VIB): Hoàn tiền với tỷ lệ 0,1% trên toàn bộ số tiền chi tiêu hợp lệ trong kỳ sao kê. Ngoài ra, khách hàng được hoàn tiền với tỉ lệ từ 5% – 10%, tối đa 800,000đ trên danh mục chi tiêu đăng ký (Ẩm thực, Y tế & Sức khoẻ, Giải trí, Marketing & Quảng cáo) nếu chi tiêu trong kỳ từ 50 triệu đồng trở lên. Số tiền hoàn có thể đổi thành Tiền mặt, Phí thường niên, Vé xem phim CGV, Phiếu mua hàng điện tử Urbox. 


Thẻ Titanium cash back (VP Bank): Hoàn tiền từ 0.3% – 0.5% – 1% – 1.5% tuỳ theo tổng giá trị giao dịch trong kỳ từ 5, 15, 45 đến 60 triệu đồng trở lên, tối đa hoàn 1,000,000đ/tháng. Nếu bạn sử dụng thẻ 10tr, số tiền hoàn là 10tr x 0.3% = 30,000đ, nếu bạn sử dụng thẻ 50tr, số tiền hoàn là 50tr x 1% = 500,000đ


Thẻ tín dụng tích điểm (point redemption)

Tuỳ ngân hàng và loại thẻ mà tỉ lệ tích điểm khác nhau. Nếu như đối với thẻ tín dụng hoàn tiền (cash back), bạn có thể thấy ngay được giá trị tích luỹ qua việc sử dụng thẻ tín dụng là bao nhiêu, thì đối với tính năng tích điểm, bạn cần phải quy đổi ra tiền hoặc quà tặng theo tỉ lệ mà ngân hàng quy định.


Thẻ Hi-point (Shinhan Bank Vietnam): Tỉ lệ tích điểm: 0.3% – 0.4% cho mọi giao dịch, 1% – 2% cho giao dịch siêu thị và ăn uống (tối đa 200,000 điểm/kỳ), 5% cho giao dịch tại Samsung experience store, Nguyễn Kim, Lazada, Lotte Mart, Grab, Vietnam Airlines, Agoda, Tous les jours, Paris Baguette (tối đa 400,000 điểm/kỳ). Tỉ lệ đổi điểm: 1 điểm = 1 VNĐ, giá trị điểm tương tự như tiền mặt, dễ dàng quy đổi. 

 

Thẻ tín dụng tích luỹ dặm bay (miles redemption)

Thẻ tín dụng tích luỹ dặm bay phù hợp cho những khách hàng có nhu cầu đi lại, du lịch, công tác nhiều, do đó, thẻ thường được định vị là thẻ cao cấp (hạng bạch kim/ Platinum trở lên) với phí thường niên khá cao. Tuy nhiên, tiền nào của nấy, khách hàng thường được tận hưởng khá nhiều ưu đãi. Ví dụ Thẻ Travel Platinum của ngân hàng Shinhan cho phép khách hàng tích luỹ 1 dặm bay trên mỗi 25,000đ chi tiêu. Dặm thưởng này sẽ được quy đổi thành dặm bay của LotusMiles, KrisFlyer, AsiaMiles, mã giảm giá Agoda. 2.800 Dặm Shinhan = 1 e-voucher Agoda trị giá 1 triệu đồng, tương đương với chi tiêu 70 triệu đồng.

 

Thẻ CitiPremierMiles (nay thuộc UOB) cũng cho phép khách hàng tích luỹ 1 dặm bay trên mỗi 25,000đ chi tiêu. Dặm thưởng này sẽ được đổi thành dặm bay của LotusMiles, KrisFlyer, AsiaMiles…và chi tiêu tại InterContinental Hotels Group (IHG) Rewards Club với từ 5.000 dặm, tương đương 125 triệu đồng; hoặc bạn cũng có thể quy đổi thành phí thường niên hay khoản thanh toán cho các giao dịch du lịch khác với từ 3,000 dặm, tương đương 75 triệu đồng.


Như vậy, tuỳ vào mức chi tiêu thẻ hàng tháng và loại hình giao dịch mà bạn lựa chọn loại thẻ phù hợp với nhu cầu và mang lại giá trị cao nhất. Ngoài ra, bạn cần cân nhắc thêm các yếu tố: phí thường niên và các loại phí khác, thẻ tín dụng có cùng ngân hàng mở tài khoản (lương); ứng dụng (app) ngân hàng thuận tiện sử dụng…


5. Giảm giá, khuyến mãi

Hầu hết các thẻ tín dụng hiện nay đều có chương trình giảm giá, khuyến mãi để khuyến khích khách hàng mở thẻ cũng như sử dụng thẻ. Ngoài các đặc tính sản phẩm như hoàn tiền, tích điểm, tích luỹ dặm bay, chủ thẻ còn được mua hàng với ưu đãi đặc biệt. 


Ưu đãi thường được tài trợ bởi các tổ chức thẻ như Visa, MasterCard hay JCB. Ngoài ra, các ngân hàng phát hành thẻ cũng có các chương trình ưu đãi theo từng thời kỳ, đặc biệt là ưu đãi mua sắm online vào các ngày 9/9, 11/11, 12/12…Citibank (UOB) có chương trình miễn phí upgrade size tại Starbucks hay chương trình ưu đãi ẩm thực dành riêng cho thẻ Citi PremierMiles; Shinhan bank có chương trình ưu đãi Shinhanzone với các ưu đãi giảm giá quanh năm dành cho chủ thẻ…


6. Miễn phí bảo hiểm

Loại bảo hiểm phổ biến nhất là bảo hiểm du lịch, hiện được các Ngân hàng cung cấp miễn phí cho các khách hàng thẻ Platinum (Bạch kim) trở lên. Theo đó, nếu bạn mua vé máy bay bằng thẻ tín dụng, bạn sẽ được bồi hoàn trễ hành lý và tai nạn xảy ra trong chuyến đi.


7. Quản lý chi tiêu

Thẻ tín dụng nếu sử dụng không hợp lý sẽ trở thành chiếc bẫy tài chính. Suy nghĩ mua trước trả sau khiến nhiều người vung tay sử dụng thẻ tín dụng để rút tiền mặt, đi du lịch, mua hàng xa xỉ…hết cả hạn mức tín dụng, dẫn đến lãi chồng lãi và mất khả năng chi trả.


Tuy nhiên, nếu sử dụng hợp lý thì thẻ tín dụng là một công cụ quản lý chi tiêu cực kỳ hữu dụng và bạn còn được thêm nhiều lợi ích khác như đã nói ở trên. Mỗi tháng, nhận được sao kê thẻ tín dụng, bạn biết được trong tháng mình đã chi bao nhiêu tiền, danh mục chi tiêu ở đâu, mua sắm siêu thị tháng này vì sao cao hơn tháng trước…, từ đó điều chỉnh lại việc chi tiêu sao cho hợp lý. Nhất là khi đã lập gia đình, bạn có thể gửi sao kê cho chồng/ vợ để người kia biết tháng này gia đình mình đã sinh hoạt hết bao nhiêu.


8. Tăng điểm tín dụng

Điểm tín dụng rất quan trọng khi bạn muốn vay ngân hàng để tiêu dùng hoặc kinh doanh. Nhiều người hiểu lầm rằng, không có thẻ hoặc vay ở ngân hàng thì điểm tín dụng tốt. Nhưng thực tế, nếu bạn có lịch sử trả nợ (thẻ tín dụng/ vay) tốt, thì điểm tín dụng của bạn sẽ được đánh giá cao hơn những người không có lịch sử tín dụng.


Do đó, cách dễ dàng nhất để tăng điểm tín dụng, nhất là đối với những bạn trẻ, là việc mở và làm quen với việc sử dụng thẻ tín dụng. Bạn cần lưu ý ngày nhận được sao kê thẻ của ngân hàng và thanh toán dư nợ, tốt nhất là toàn bộ dư nợ, trước ngày thanh toán tối thiểu quy định trong sao kê. Theo quy định, các ngân hàng cần gửi thông tin khách hàng thẻ tín dụng, cũng như số dư nợ trên thẻ (chi tiêu bằng thẻ), số ngày, số lần quá hạn…về Trung tâm tín dụng quốc gia (CIC) thể theo dõi. Do đó, việc thanh toán trễ hạn sẽ để lại lịch sử tín dụng xấu và ảnh hưởng đến các giao dịch vay nợ (nếu có) của bạn trong tương lai.


Dù các phương thức thanh toán như QR code hoặc chuyển khoản qua ứng dụng ngân hàng, ví điện tử đang tăng trưởng nhanh chóng, thẻ tín dụng vẫn được xem là phương thức thanh toán hiệu quả thay thế tiền mặt với các lợi ích kể trên như mua trước, trả sau, thanh toán online, ưu đãi hấp dẫn…Để sử dụng hiệu quả thẻ tín dụng, bạn cần tìm được loại thẻ đúng nhu cầu cũng như hoạch định chi tiêu hợp lý và thanh toán thẻ đúng hạn.