Bí kíp sử dụng thẻ tín dụng cho người mới bắt đầu

     
      1. Bảo mật thông tin thẻ

    Thông tin trên thẻ tín dụng như số thẻ, tên chủ thẻ và số CVV có thể được sử dụng để thanh toán hàng hoá, dịch vụ nên bạn cần bảo mật các thông tin này. Nếu chẳng may đánh rơi hoặc làm mất thẻ, bạn cần thực hiện khoá thẻ ngay lập tức, thông qua Ứng dụng ngân hàng trên di động, Internet Banking, Tổng đài hoặc liên hệ trực tiếp tại ngân hàng mở thẻ và thực hiện đổi thẻ mới.


    Cẩn trọng khi mua hàng online, bạn cần chọn các trang web uy tín để hạn chế nguy cơ lộ thông tin thẻ. Không click vào các đường link hoặc trang web lạ, cũng như gửi thông tin thẻ và số OTP cho người lạ. Hiện nay thủ đoạn lấy trộm thông tin thẻ rất tinh vi như giả dạng Công an, cơ quan chức năng, nhân viên ngân hàng…nên bạn cần phải rất cẩn trọng khi nhập thông tin thẻ, và tuyệt đối không cung cấp bất kỳ thông tin thẻ cũng như thông tin cá nhân cho bất kỳ cá nhân nào. Bạn cũng không nên cho người khác mượn thẻ tín dụng, kể cả bạn bè và người thân trong gia đình.


    Để sử dụng thẻ an toàn hơn, bạn nên cài đặt hạn mức sử dụng thẻ, bao gồm hạn mức mua hàng online, hạn mức mua hàng tối đa trên 1 giao dịch hoặc hạn mức giao dịch 1 ngày…Bạn có thể đăng ký trên Ứng dụng ngân hàng hoặc liên hệ nhân viên tư vấn, tuỳ theo dịch vụ cung cấp của mỗi ngân hàng.


    2. Sử dụng thẻ không quá 50% hạn mức tín dụng

     

    Hạn mức tín dụng thường được cấp tuỳ theo thu nhập và hạng thẻ. Người mới bắt đầu sử dụng thẻ tín dụng thường là người mới đi làm, mức lương từ 6 đến 15 triệu đồng/tháng. Hạn mức tín dụng sẽ được cấp từ 1,5 đến 2 lần mức lương, tuỳ theo ngân hàng. Do đó, khi mới bắt đầu sử dụng thẻ, bạn thường được ngân hàng cấp thẻ chuẩn, với hạn mức từ 10 – 30 triệu đồng. 


    Tuy nhiên, để làm quen với việc sử dụng thẻ tín dụng, hạn chế lãi, phí phát sinh và duy trì lịch sử tín dụng tốt, bạn nên sử dụng không quá 50% hạn mức tín dụng, cũng như trong mức thu nhập hàng tháng. Ví dụ, lương bạn 10 triệu/tháng, thẻ tín dụng hạn mức 15 triệu/tháng, thì bạn nên sử dụng thẻ để thanh toán chi phí sinh hoạt hàng ngày dưới 7 triệu/tháng để đảm bảo khả năng thanh toán.


    3. Thanh toán thẻ đúng hạn

     

    Với thẻ tín dụng, bạn được cấp một hạn mức nhất định để sử dụng trước, sau đó thanh toán lại cho ngân hàng vào ngày quy định trong Sao kê thẻ tín dụng. Bạn cần lưu ý Ngày đến hạn thanh toán thẻ để tránh bị khoá thẻ, phí, lãi phát sinh cũng như bị lịch sử tín dụng xấu, sẽ khó khăn khi mở thẻ tín dụng hoặc vay nợ với các tổ chức tín dụng sau này.


    Thông thường, ngân hàng phát hành thẻ chỉ yêu cầu bạn thanh toán Số tiền tối thiểu (khoảng 5% tổng dư nợ) vào trước Ngày đến hạn thanh toán. Tuy nhiên, nếu chỉ thanh toán Số tiền tối thiểu thì bạn sẽ bị tính Lãi suất thẻ (cao gấp đôi hoặc gấp ba lãi suất vay thông thường) trên số tiền đã chi tiêu (từ ngày phát sinh giao dịch). Do đó, bạn nên sử dụng thẻ trong khả năng thanh toán, và thực hiện thanh toán toàn bộ (100%) dư nợ thẻ vào Ngày đến hạn thanh toán. 


    Để tránh quên Ngày đến hạn thanh toán thẻ, bạn nên đăng ký sử dụng dịch vụ Thanh toán tự động từ tài khoản. Hiện các ngân hàng đều có dịch vụ này. Theo đó, vào Ngày đến hạn thanh toán, ngân hàng sẽ tự động trích tiền từ tài khoản thanh toán của bạn tại ngân hàng để thanh toán cho các chi tiêu trên thẻ tín dụng, tránh phát sinh nợ quá hạn. Như đã nói, thay vì chỉ đăng ký thanh toán số tiền tối thiểu (5%), bạn nên đăng ký thanh toán toàn bộ dư nợ (100%).

    Để kỷ luật trong chi tiêu, bạn cũng nên cài đặt hạn mức tối đa cho mỗi lần giao dịch, hoặc hạn mức mua hàng tối đa theo ngày, tháng.


    4. Không ứng tiền mặt từ thẻ tín dụng

     

    Thẻ tín dụng có rút tiền mặt được không? Tất nhiên là được, tuy nhiên các ngân hàng thường áp dụng phí rất cao, cũng như lãi suất rút tiền mặt sẽ áp dụng từng ngày, kể từ ngày rút.

    Do đó, nếu không thực sự cần thiết, các bạn không nên ứng tiền mặt từ thẻ tín dụng. Và trong trường hợp nếu ứng tiền mặt, các bạn nên thanh toán ngay khi có thể. Chỉ nên rút tiền tại quầy hoặc ATM của ngân hàng phát hành thẻ, và tuyệt đối không ứng tiền tại các đại lý hay cá nhân quảng cáo dịch vụ này để bảo mật thông tin thẻ.


    5. Lưu ý các loại phí, lãi

     

    Phí phổ biến nhất của thẻ tín dụng là Phí thường niên. Thông thường, phí thường niên của thẻ tín dụng chuẩn dao động từ 100,000 – 500,000 VND tuỳ theo ngân hàng và được tự động ghi nhận trên sao kê khách hàng vào tháng đầu tiên, ngay sau khi khách hàng mở thẻ và kích hoạt thẻ thành công. 


    Lãi suất thẻ tín dụng được tính khi khách hàng không thanh toán toàn bộ dư nợ phát sinh vào Ngày đến hạn thanh toán thông báo trên Sao kê thẻ tín dụng. Lãi suất thẻ tín dụng thường khá cao so với lãi suất cho vay tiêu dùng thông thường, dao động từ 15% – 36%/tháng tuỳ theo ngân hàng.


    Ngoài ra, một số loại phí khác phát sinh khi sử dụng thẻ tín dụng là Phí chậm trả, phí ứng tiền mặt, phí chuyển đổi ngoại tệ, phí SMS, phí đóng thẻ (sử dụng thẻ dưới 12 tháng)…Do đó, trước khi mở thẻ tín dụng, bạn cần tìm hiểu cũng như hỏi kỹ nhân viên tư vấn về Biểu phí cũng như điều khoản sử dụng thẻ.


    6. Không sử dụng nhiều thẻ tín dụng

     

    Thời gian đầu, bạn chỉ nên sử dụng một loại thẻ tín dụng, vừa để dễ quản lý chi tiêu, đảm bảo thanh toán đúng hạn, vừa hạn chế các loại phí phát sinh. Sau 1 hoặc 2 năm, sau khi đã quen với việc sử dụng thẻ tín dụng và thu nhập tăng lên, bạn có thể mở thêm thẻ tín dụng với các thương hiệu khác nhau như Visa, MasterCard, JCB…nếu loại thẻ mới có các ưu đãi thường xuyên trong cuộc sống hàng ngày của bạn.


    Thông thường các ngân hàng có chương trình thẻ đổi thẻ, theo đó, bạn sẽ được ngân hàng cấp thẻ tín dụng dựa trên hạng thẻ và hạn mức thẻ hiện tại tại ngân hàng khác. Tất nhiên, lịch sử tín dụng của bạn sẽ được xem xét, bao gồm số tiền sử dụng thẻ hàng tháng, số ngày quá hạn, số lần quá hạn, bạn hiện đang có khoản vay nào hay không…


    7. Cập nhật các chương trình ưu đãi

     

    Các ngân hàng thường xuyên có các chương trình ưu đãi để thu hút cũng như giữ chân khách hàng. Do đó, bạn cần tìm hiểu chương trình nào phù hợp với mình nhất, cũng như ngân hàng nào có dịch vụ khách hàng tốt để hỗ trợ bạn khi cần.

    Một số ngân hàng đưa ưu đãi thành một tính năng riêng của thẻ như:

        • Thẻ VPBank Shopee hoàn tiền 6% cho giao dịch tại Shopee (tối đa 250,000đ/tháng), 2% ăn uống, siêu thị (tối đa 150,000đ/tháng), phí thường niên 299,000đ. 
        • Thẻ Shinhan Hi-point Chuẩn tích 5% cho các giao dịch lại Lazada, Lotte Mart, Grab (tối đa 400,000 điểm ~ 400,000đ/tháng), phí thường niên 330,000đ;
        • Thẻ VIB Online Plus: hoàn tiền 6% cho chi tiêu trực tuyến nước ngoài, 3% cho chi tiêu trực tuyến trong nước (tối đa 600,000đ/kỳ), phí thường niên 599,000đ.